logo-nha-dat-mien-bac

Hợp đồng đặt cọc mua đất là gì? Có cần công chứng không?

# Nhà Đất Miền Bắc | 12/07/2021

Đặt cọc trong mua bán nhà đất được xem là hình thức giao kèo hợp pháp giữa người bán và người mua. Tuy nhiên trước khi tiến hành làm hợp đồng này bạn cần hiểu rõ bản chất, quy định mức phạt cọc, cũng như cần lưu ý gì để tránh rủi ro không mong muốn.
Nào, cùng Nhà Đất Miền Bắc tìm hiểu sâu hơn về hợp đồng đặt cọc mua đất thông qua bài viết dưới đây nhé. 

Hợp đồng đặt cọc mua đất là gì?

Hợp đồng đặt cọc mua đất là một loại giấy tờ giao kết hợp đồng giữa bên bán và bên mua. Việc thỏa thuận bằng lời nói là chưa đủ, do đó để chắc chắn các bên nghiêm túc thực hiện đúng giao kèo, bạn nên tiến hành ký kết hợp đồng cọc đất. Có như thế mới đảm bảo quyền và nghĩa vụ của từng bên, từ đó giúp việc thỏa thuận mua bán diễn ra thuận lợi.
Tài sản đặt cọc giữa các bên có thể là tiền mặt, đá quý, vàng hoặc một vật có giá trị kinh tế. Sau khi ký kết hợp đồng đặt cọc, bên mua cần giao tài sản đặt cọc cho bên bán, đồng thời bên bán có nghĩa vụ bảo quản tài sản đặt cọc của bên mua. Nếu hợp đồng đặt cọc được thanh lý, tài sản đặt cọc sẽ được hoàn trả lại hoặc trở thành tài sản thanh toán.

hợp đồng đặt cọc mua đất

Hình 1: Mẫu hợp đồng đặt cọc mua đất minh họa

Các nội dung cần có trong hợp đồng đặt cọc

Trong hợp đồng cọc đất cần đảm bảo có các nội dung chính sau đây: 

  • Thông tin bên đặt cọc 
  • Thông tin bên nhận đặt cọc.
  • Tài sản đặt cọc, ghi rõ số tiền bằng chữ và bằng số. Nếu là vàng, đá quý cần ghi rõ tên, màu sắc, trọng lượng.
  • Giá chuyển nhượng. 
  • Phương thức đặt cọc 
  • Các điều khoản về thỏa thuận trách nhiệm các bên
  • Thời hạn đặt cọc.
  • Nghĩa vụ nộp thuế, phí và lệ phí.
  • Xử lý tiền đặt cọc khi một trong hai bên hủy giao kèo
  • Phương thức giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận các bên.
  • Ký và ghi rõ họ tên các bên. Trường hợp có bên thứ 3 làm chứng cũng ký tên vào.

Hợp đồng đặt cọc mua đất có cần công chứng?

Căn cứ vào các bộ luật quy định hiện tại chưa có điều khoản nào quy định hợp đồng đặt cọc phải công chứng/ chứng thực. Tuy nhiên để hạn chế rủi ro tranh chấp, bạn có thể chủ động đem hợp đồng đi công chứng. Dĩ nhiên giá trị pháp lý của những giấy tờ được công chứng sẽ cao hơn so với ký giấy thông thường.

hợp đồng đặt cọc mua đất

Hình 2: Việc công chứng hợp đồng đặt cọc mua đất hoàn toàn không bắt buộc

Vi phạm hợp đồng đặt cọc mua đất xử phạt thế nào?

Theo khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015, vi phạm hợp đồng đặt cọc mua đất thường là do một trong hai bên không thực hiện đúng như trong thỏa thuận của hợp đồng. Việc vi phạm hợp đồng có thể xảy ra theo hai trường hợp đó là:

  • Bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, tài sản đặt cọc sẽ được hoàn trả lại cho bên đặt cọc kèm theo một số tiền tương đương với giá trị tài sản đặt cọc. 
  • Bên đặt cọc từ chối việc giao kết, tài sản đặt cọc sẽ thuộc về bên nhận đặt cọc.

Ngoài ra, trong nội dung hợp đồng đặt cọc mua đất, các bên có quyền sửa đổi mức xử phạt khi vi phạm hợp đồng xuống thấp hoặc cao hơn số tiền đặt cọc.

Nên đặt cọc bao nhiêu tiền?

Số tiền đặt cọc khi mua đất không có quy định cụ thể là bao nhiêu, do đó tùy vào thỏa thuận giữa hai bên sẽ có con số hoặc hiện vật cụ thể. Mặc dù pháp luật không quy định nhưng theo chúng tôi bạn nên thỏa thuận phí đặt cọc từ 30% giá trị hợp đồng mua bán trở xuống để đảm bảo quyền lợi đôi bên cũng như hạn chế rủi ro.

hợp đồng đặt cọc mua đất

Hình 3: Hợp đồng đặt cọc mua đất cần được thỏa thuận rõ ràng, minh bạch giữa các bên

Những lưu ý khi làm hợp đồng đặt cọc.

Cần làm rõ khoản phạt cọc khi xảy ra tranh chấp

Như đã đề cập ở trên, việc vi phạm hợp đồng dẫn đến tranh chấp là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó bạn nên quy định rõ ràng mức phạt, số tiền phạt cũng như các quy ước hai bên mong muốn. Có như vậy mới bảo đảm quyền lợi chính đáng cho mình.

Nên công chứng hợp đồng đặt cọc mua đất 

Dựa trên quy định của Pháp Luật hiện hành, việc ký kết hợp đồng đặt cọc mua đất không cần thực hiện công chứng hoặc chứng thực. Nhưng, bao giờ cũng nên đề phòng trước các rủi ro, tốt nhất bạn hãy thống nhất việc công chứng toàn bộ hợp đồng gồm:

  • Phiếu yêu cầu công chứng
  • Hợp đồng đặt cọc mua đất
  • Giấy tờ tùy thân người yêu cầu công chứng (bản sao)

Sau khi nộp hồ sơ tại địa điểm hành nghề công chứng, trong vòng 2 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ bạn sẽ nhận được các tài liệu đã công chứng như ý muốn.

Để đảm bảo nên có người làm chứng hoặc vi bằng

Đối với những ai kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp, việc làm hợp đồng đặt cọc tương đối dễ dàng và thuận lợi. Thế nhưng nếu như bạn chưa từng thực hiện giao dịch này, rủi ro soạn nội dung hợp đồng không kỹ lưỡng tiềm ẩn rất lớn. Bạn nên nhờ văn phòng Thừa phát lại tư vấn và tiến hành lập vi bằng giấy đặt cọc nhằm đảm bảo các điều khoản trong hợp đồng đã được soạn thảo đúng và đủ.
Ngoài ra, bên làm chứng tuy không bắt buộc phải có, nhưng để an toàn và củng cố tính pháp lý cho hợp đồng, bạn cũng nên xem xét có thêm người làm chứng. Tuy nhiên người làm chứng phải là người không có mối quan hệ huyết thống, họ hàng hay thân quen gì với cả hai bên nhận cọc và bên đặt cọc. 
Khi làm hợp đồng có người làm chứng cần ghi rõ đầy đủ họ tên, ngày sinh, chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú… và chữ ký của người làm chứng.
Tóm lại việc làm hợp đồng đặt cọc mua đất tuy không phức tạp như các loại hợp đồng bất động sản khác, thế nhưng bạn cũng cần thận trọng để tránh chịu rủi ro, tranh chấp không đáng có nhé.
Tham khảo thêm:


Đăng ký để nhận ngay

Bảng giá & chính sách chiết khấu

GREEN DIAMOND 93 LÁNG HẠ